Tiêu cực Đại dịch COVID-19 tại Việt Nam

Khẩu trang không rõ nguồn gốc

Ngày 3 tháng 3, một kho hàng chứa 371 thùng khẩu trang (gần 1 triệu chiếc) không rõ nguồn gốc đã bị phát hiện và tạm giữ sau khi lực lượng chức năng kiểm tra ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.[202]

Nhiều trường hợp khác liên quan đến khẩu trang không rõ nguồn gốc được sản xuất, lưu trữ, buôn bán trái phép đã bị phát hiện, ngăn chặn và xử phạt kịp thời, như ở An Giang,[203] Lạng Sơn,[204][205] Cao Bằng,[206] Quảng Ninh,[207][208] quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh,[209] và nhiều trường hợp khác sai phạm trong việc sản xuất,[210] vận chuyển trái phép ra nước ngoài,[211][212] bao gồm cả các trường hợp thu gom, buôn bán khẩu trang bị vứt đi hay khẩu trang đã qua sử dụng.[213][214][215]

Tin giả

Kể từ tháng 2 đến ngày 10 tháng 3, cơ quan chức năng đã xử lý 21 trường hợp đăng tin không đúng sự thật trên mạng xã hội liên quan đến dịch COVID-19.[216]

Một trường hợp tin giả về ca nhiễm #17 liên quan đến ngày khai trương Uniqlo Hà Nội thì về phía Uniqlo và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã bác bỏ thông tin về trường hợp #17 đi dự khai trương cửa hàng Uniqlo ở Hà Nội, đã có nhiều KOL, phóng viên ảnh khẳng định không thấy bệnh nhân #17 trong danh sách khách mời và không thấy cô này tại sự kiện. Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, đã xác nhận bệnh nhân #17 không tham gia khai trương Uniqlo như tin đồn trên mạng. Ông cho biết mình đã trực tiếp gọi điện cho bệnh nhân #17 để nắm rõ lịch trình di chuyển của bệnh nhân, ông nói: "Tôi là người trực tiếp trao đổi với bệnh nhân và tôi tin rằng bệnh nhân này sau khi từ Nội Bài trở về đã ở tại nhà riêng ở phường Trúc Bạch từ sáng 2 tháng 3. Đến 14h ngày 5 tháng 3, lái xe đã chở cô này đến bệnh viện Hồng Ngọc, sau đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận người này. Uniqlo khai mạc lúc 18h ngày 5 tháng 3 nên không thể có chuyện như mạng xã hội thông tin".[217][218] Thêm vào đó, rạng sáng 7/3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (nơi điều trị bệnh nhân #17) cũng đã đăng thông tin phủ nhận sự việc trên trang mạng xã hội của khoa virus - ký sinh trùng của bệnh viện.[219][220]

Ngoài ra, nhiều trường hợp tung tin sai sự thật về bệnh nhân trốn cách ly,... đã bị xử phạt theo quy định pháp luật.[221]

Trốn tránh cách ly, khai báo không trung thực và những lỗ hổng trong khâu phòng dịch

Mặc dù chính quyền đã đưa ra những biện pháp bắt buộc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, vẫn có những trường hợp cố tình trốn tránh cách ly.[222][223] Đặc biệt, trường hợp thứ 17 trở về từ Anh Quốc đã khai báo không trung thực dẫn đến việc nhiều người bị cách ly đồng thời lây lan cho nhiều người khác.[224][225] Trường hợp thứ 34 cũng được cho là cố tình khai báo gian dối nhằm tránh bị cách ly.[226] Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng lỗi phần lớn nằm ở khâu phòng dịch tại các cửa khẩu khi đã để cho các trường hợp trên dễ dàng vượt qua trót lọt mà không phải chịu bất kỳ sự kiểm soát nào.[227][228]

Phản ứng của du khách Hàn Quốc tại Đà Nẵng

Trưa 24 tháng 2, chuyến bay từ Daegu (Hàn Quốc) đã đưa 80 hành khách xuống sân bay Đà Nẵng. Chính quyền TP. Đà Nẵng đã yêu cầu cách ly bắt buộc với tất cả các hành khách trên chuyến bay này, trong đó có 22 người là khách du lịch đến từ vùng dịch Deagu. Tuy nhiên, những người này nhất quyết không chịu cách ly vì họ cho rằng bản thân không hề mắc bệnh và mục đích của họ là đến Đà Nẵng để du lịch.[229] Do nhóm khách Hàn Quốc không thống nhất việc cách ly, một số mong muốn quay trở lại Hàn Quốc, tối 25 tháng 2, chính quyền TP. Đà Nẵng đã sắp xếp đưa nhóm du khách này về nước.[230] Ngay sau đó, kênh YTN News của Hàn Quốc đã cho đăng tải một bản tin gây tranh cãi cho rằng các công dân Hàn Quốc đang bị "giam giữ" trong điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn. Theo đó, những người xuất hiện trong video cho biết dù không có bất kỳ triệu chứng nhiễm bệnh nào nhưng họ vẫn bị giam giữ tại khu vực cách ly có ổ khóa cửa, thậm chí, không được cung cấp bữa ăn đầy đủ. Đáng chú ý, phía kênh này còn thẳng thắn phê phán phòng cách ly chật hẹp, chứa từ 2-3 người.[231] Ngay sau khi phát sóng và đăng tải bản tin trên kênh YouTube, YTN News nhận phản ứng dữ dội từ cư dân mạng Việt Nam. Một số người yêu cầu kênh YTN và những du khách phải lên tiếng đính chính và xin lỗi vì đã đăng tải thông tin không đúng sự thật. Hashtag #ApologizeToVietNam (Xin Lỗi Việt Nam) nhanh chóng trở thành cụm từ hot nhất trên mạng xã hội Twitter.[232] Nhiều người Hàn Quốc, vlogger và YouTuber nổi tiếng của Hàn Quốc cũng đã lên tiếng xin lỗi.[233][234] Trước sức ép của cư dân mạng, ngày 2 tháng 3, trên website chính thức, YTN News đã phải đăng thông báo rất "lấy làm tiếc" về sự việc, thừa nhận "đã phát sóng cả một phần thể hiện sự bất mãn cảm tính trong những nội dung phỏng vấn về đồ ăn được cung cấp và tình hình cách ly" và khẳng định sẽ "trung thực trong vai trò truyền đạt tiếng nói tại hiện trường và bảo vệ an toàn cho công dân Hàn Quốc, nhưng đồng thời cũng sẽ thận trọng hơn trong cách truyền đạt để không gây hiểu lầm do khác biệt văn hóa trong quá trình truyền lại phát ngôn của người được phỏng vấn".[235][236]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đại dịch COVID-19 tại Việt Nam http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200307-vir... http://baoquangninh.com.vn/dichbenhncov/202003/bo-... http://baoquangninh.com.vn/dichbenhncov/202003/den... http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202002/tang-gia... http://dangcongsan.vn/xa-hoi/viet-nam-cong-khai-mi... http://halongcity.gov.vn/web/guest/xem-chi-tiet-ti... http://kinhtedothi.vn/da-so-phu-huynh-muon-keo-dai... https://apps.apple.com/vn/app/ncovi-mobifone/id150... https://www.bbc.com/news/av/world-asia-51764846/co... https://www.cbsnews.com/news/coronavirus-preventio...